0962405143

Thảo Dược Nhân Trần Nam

Qua chuyến đi thực địa tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vào năm 2015, Lương y Hoàng Quốc Thanh đã viết lại nhật ký về những kiến thức về thảo dược Nhân Trần Nam tại Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung.

1. Tên gọi thảo dược nhân trần

Tại Việt Nam, hiện nay tên gọi nhân trần dùng để chỉ 4 cây khác nhau, hình dáng và họ thực vật khác hẳn nhau.

a. Thảo dược nhân trần nam, với tên khoa học là Adenosma caeruleum R.Br, thuộc họ Hoa mõm chó Scrophulariaceae.

b. Thảo dược nhân trần bồ bồ, với tên khoa học là Adenosma capitatum Benth, thuộc họ Hoa mõm chó Scrophulariacase.

c. Thảo dược nhân trần cao, hay nhân trần Trung Quốc, với tên khoa học là Artemisia capillaris Thunb, thuộc họ hoa Cúc Compositae.

d. Thảo dược nhân trần tía hay nhân trần cái ở miền nam, có tên khác là nhân trần lá bắc, với tên khoa học là Adenosma bracteosum Bonnati cùng họ Hoa mõm chó.

2. Mô tả thảo dược nhân trần nam

thảo dược nhân trần 01

Hình 1: Lương y Thanh (Khai Tâm Group) bên cây nhân trần nam tại đồi núi tỉnh Yên Bái.

thảo dược nhân trần 02

Hình 2: cây và hoa Nhân trần nam

Cây nhân trần nam còn có tên là nhân trần cái (ở miền Bắc) để phân biệt với cây nhân trần đực (cây nhân trần Bồ Bồ), với tên khoa học là Adenosma caeruleum R.Br, thuộc họ Hoa mõm chó Scrophulariaceae.

Cây này thường mọc và được trồng ở vùng Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh. Lưu ý ở Nghệ An, Hà Tĩnh gọi nhầm thảo dược nhân trần nam là Hoắc hương núi.

Thảo dược nhân trần nam là loài cỏ mọc hoang, sống hàng năm cao 0,3-1 m, thân tròn, màu tím trên có lông trắng mịn, ít phân cành. Lá mọc đối hình trứng, đầu lá dài và nhọn, mép có răng cưa to, mặt trên và mặt dưới đều nhiều lông mịn, phiến lá dài 3-8 cm, rộng 1-3,5 cm, gân nổi rõ ở mặt dưới, cuống 5-10mm. Toàn thân và lá vò có mùi thơm. Hoa mọc đơn ở kẽ lá hay thành chùm bông ở đầu cành. Đài hình chuông xẻ thành 5 thùy sâu. Tràng màu tím xanh dài 10-14mm, môi trên hình lưỡi, môi dưới xẻ thành 5 thùy đều nhau. Quả nang hình trứng, dài bằng đài, nhiều hạt nhỏ (Xem hình 1, hình 2)

3. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây này thường mọc và được trồng ở vùng Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh. Ở các tỉnh phía Nam có nhân trần tía mọc xen với bồ bồ. Cây nhân trần nam còn mọc ở Thái Lan, Ấn Độ và In đô nê xi a.

thảo dược nhân trần 03

Hình 3: Lương y Thanh (Khai Tâm Group) thu mua nhân trần nam tại các hộ dân sống ở đồi núi tỉnh Yên Bái

Hình 4: Lương y Thanh (Khai Tâm Group) thu mua nhân trần nam tại các hộ dân sống ở đồi núi tỉnh Yên Bái

Hiện tại, người dân phía Bắc trồng cây Nhân Trần bằng hạt. Thường thu hái vào mùa hè khi cây đang ra hoa. Đem về phơi hay sấy khô, bó thành từng bó dài 25-30 cm, đường kính 5-6 cm, trọng lượng 40-60g, gồm chừng 20 cây mang hoa buộc lại thành một bó. Có khi bó thành bó lớn hơn. (Xem hình 3, 4).

Hiện tại, Lương y Thanh (Khai Tâm Group) với truyền thông gia đình kinh doanh dược liệu hơn 20 năm, đã triển khai cho hộ gia đình tại các huyện đồi núi ở tỉnh Yên Bái, trồng nhân trần nam ở đồi núi với thổ nhưỡng thích hợp, khí hậu trong lành. Lương Y Thanh thu mua nhân trần nam với việc kiểm soát từ khâu gieo hạt, trồng, thu hái đúng kỹ thuật. Từ đó, cung cấp nhân trần sạch và dược tính cao cho các công ty sản xuất trà nhân trần hay các đơn vị dùng nhân trần chế biến thành dược liệu trong Đông Y.

4. Thành phần hóa học

Nhân trần nam có tinh dầu có mùi cineol, hoạt chất của tinh dầu tràm, khuynh diệp.

Năm 1975, Lê Tùng Châu và cộng sự phân tích trong nhân trần có saponin tritecpenic, flavonozit, axit nhân thơm, cumarin và tinh dầu.

5. Tác dụng dược lý

a. Nhân trần có tác dụng tăng tiết mật và tăng thải độc của gan.

b. Nhân trần nam có tác dụng chống viêm ở mô hình phù caolin, teo tuyến ức và u hạt.

c. Có tác dụng kháng khuẩn nhẹ với trực khuẩn lỵ. Nhân trần ức chế mạnh hơn với Staphyllococcus và Streptococcus.

d. Nhân trần làm giảm axit tự do và axit toàn phần. Tuy nhiên tác dụng này lại giảm khi dùng liều cao.

e. Nhân trần không độc. Nên trong nhân dân, thường dùng nhân trần làm trà uống hàng ngày để thanh nhiệt, phòng bệnh. Hiện nay, nhiều công ty chế biến nhân trần thành trà túi lọc nhân trần.

thảo dược nhân trần 05

Hình 5: Nhân trần nam sấy khô, thái nhỏ

thảo dược nhân trần 06

thảo dược nhân trần 7

Hình 6: Nhân trần nam sấy khô, thái nhỏ được Cơ Sở Khai Tâm làm trà thảo mộc

5.  Công dụng, cách chế biến và liều dùng

5.1. Chế biến:

Bỏ đất ở gốc rễ, băm nhỏ, sấy/ phơi khô để dùng.

5.2. Tính vị qui kinh:

Nguồn gốc sử dụng nhân trần dựa vào kinh nghiệm ghi trong sách cổ. Nhân trần có vị đắng, tính bình/ôn .Vào kinh Can, Đởm

5.3. Công dụng theo Y học cổ truyền

– Theo Hải Thưởng Lãn Ông, Nhân trần chủ yếu để trị chứng Hoàng Đản

– Thanh nhiệt, khu phong trừ thấp, hành khí chỉ thống, tán ứ tiêu thũng, giải độc trừ ngứa.

– Chữa phong thấp đau xương, mụn ghẻ lở, hoàng đản, tiểu tiện không tốt (ít màu vàng đục)

– Chữa bệnh ra mồ hôi, bệnh vàng da, bệnh gan

– Hạ huyết áp, an thần, ăn ngon, ngủ ngon.

– Trong nhân dân, nhân trần thường dùng cho phụ nữ sau khi sanh nở để giúp cho ăn ngon cơm, nhanh chóng phục hồi cơ thể.

– Đun nhân trần lấy nước để tắm  trị ngứa ngáy toàn thân do trúng phong.

5.4. Liều dùng

Tùy theo bệnh lý , liều dùng từ 4 đến 25 gram/ngày.

– Theo thực tiễn lâm sàng đã chứng minh, trị bệnh Hoàng đản, bảo vệ gan, tỳ do viêm gan truyền nhiễm. Liều dùng mỗi ngày 50 đến 79 gram đun với với 2 lít nước, chia làm 3 lần uống, cho thấy hiệu quả rõ rệt.

– Mỗi ngày đun 25 gram với 2 lít nước uống thanh nhiệt, bảo vệ gan rất tốt. Lại không độc

– Chữa sốt vàng da, ra mồ hôi ở đầu, mà người không có mồ hôi, miệng khô, tiểu tiện khó khăn, bụng đầy: Nhân trần cao Trung Quốc (hiện tại, các lương y dùng nhân trần nam thay thế) 24 g, chi tử (dành dành) 12g, đại hoàng 4g, nước 800ml sắc thành nước thuốc 250 ml, chia 3 lần uống trong ngày.

– Trị bệnh đau lưng, cơ thể và mặt tê buốt do phù thận gây nên: Nhân trần, chi tử, mang tiêu, mỗi loại 9 g; khổ sâm, sắn dây, mỗi loại 12 g; sinh địa hoàng, thạch cao, mỗi loại 24g; thông bạch 12 g, chao 16g. Các vị trên cắt nhỏ, lấy 1.800ml nước đun lấy 500ml nước thuốc, cho thêm mang tiêu, chia thành 3 lần uống.

6. Những bài thơ nói về Nhân trần để nhớ về công dụng của thảo dược nhân trần

* Hải Thượng Lãn Ông có bài thơ trong Lĩnh Nam Bản Thảo – Quyển Thượng:

“Nhân trần thường gọi là nhân trần

Đắng lạnh hơi cay, uống nhẹ thân

Khu phong trừ thấp, thanh nhiệt khí

Đầu đau, hoàng đản, bệnh rất cần”

* Các bà mẹ thường truyền dạy cho con gái sau khi đẻ:

“Nhân trần, ích mẫu đi đâu?

Để cho gái đẻ đớn đau thế này”

7. Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm và bản quyền hình ảnh và nội dung bài viết.

* Hiệu quả của sản phẩm tùy thuộc vào cơ địa, thể trạng của mọi người. Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng để uống trà hay dùng làm dược liệu phải qua ý kiến của lương y/bác sĩ có chuyên môn.

* Nội dung và hình ảnh thuộc bản quyền của lương y Hoàng Quốc Thanh. Vì thế, cá nhân hay đơn vị dùng hình ảnh và nội dung cho việc kinh doanh, vui lòng liên hệ qua email: luongythanhkhaitam@gmail.com để được xin phép sử dụng.

—–

Tác giả Hoàng Quốc Thanh rất mong nhận sự đóng góp và chia sẻ của mọi người về thảo dược Nhân trần nam qua email: luongythanhkhaitam@gmail.com; số di động: 096 240 5143

One thought on “Thảo Dược Nhân Trần Nam

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *