Ngôi nhà buông bỏ
Giữa rừng sâu thâm u bỗng có một khoảng sáng nhỏ lộ ra, nơi đó mấy túp lều tre nứa, mái lợp lá cọ, nằm khuất dưới những bóng cổ thụ. Thanh cười khì: “Trông đơn sơ vậy thôi chứ nếu ngủ một tối như thế này ở nước ngoài là anh phải mất 200 đô đấy mà cảnh còn xấu hơn. Ở đây 6 giờ sáng đã có chim rừng vào tận phòng báo thức, trưa rất tĩnh lặng, còn chiều, tối lại có tiếng ve, tắc kè, ếch nhái, thậm chí là tiếng phì của rắn hổ mang. Em có thử nuôi gà nhưng đại bàng và cầy hương bắt hết rồi, giờ chỉ còn toàn lông không”.
Nếu không đam mê thì ở một nơi tăm tối, không có điện lưới như vậy chỉ đôi ba ngày là chán, thế mà có thời điểm “người rừng” ở đúng 7 tháng liền để ghi chép, chụp ảnh động, thực vật: “Bình thường 2 – 3 tuần em lại bay về Sài Gòn chơi với con 2 – 3 ngày rồi đi. Thế nhưng vì Covid mà năm rồi em ra hồi tháng 5, ở miết đến Tết mới về được bởi lúc đó chưa tiêm vacxin không bay nổi, đến khi tiêm 2 mũi thì ở đây dính Covid…
Sống ở rừng sướng hay khổ phụ thuộc vào nhân sinh quan của mỗi người. Ngôi nhà này em đặt tên là buông bỏ bởi một khi đã bước vào sẽ thấy nhịp sống chậm lại, mọi thứ tham, sân, si không còn, giống như một mặt nước phẳng lặng vậy. Chỉ cần xuống thị trấn thôi là cái đầu đã bị dao động nhiều thứ rồi.
Nếu tiền tỉ em đổ vào đây mà dùng để chơi chứng khoán, bất động sản có thể kiếm được rất nhiều nhưng chỉ là làm giàu cho bản thân, thậm chí còn hại cho xã hội bởi đất đai cứ mua đi bán lại lấy chênh lệch như thế người nghèo làm sao có? Chỗ anh đang ngồi đây là bãi chăn trâu, có nhiều nắng nên em trồng các cây ưa sáng như hương thảo, còn trên kia là rừng đa tầng thì trồng khôi nhung, hà thủ ô, ba kích… Tất cả là do hệ sinh thái quyết định hết. Nào, anh em mình cùng thăm rừng một chuyến!”
Khi tôi xăm xăm đi trước, Thanh gọi giật, bảo phải tụt lại phía sau để vừa đi anh vừa cầm gậy khua, đánh động cho lũ rắn độc khỏi cắn. Luồn lách dưới tán rừng mát rượi, anh chỉ cho tôi những cây khôi nhung, thất diệp nhất chi hoa được trồng xen kẽ khắp nơi.
Là thạc sĩ về kinh tế tài chính ngân hàng, anh từng làm chuyên gia thiết lập hệ thống ISO 9000, VietGAP nhưng rồi nhận thấy, chứng chỉ thật mà thực tế làm giả quá nhiều nên sinh chán. Trong khi đó, nhà vợ ở Yên Bái lại kinh doanh dược liệu nên Thanh bắt đầu tìm hiểu về nghề này, học để trở thành một lương y và mở thương hiệu Khai Tâm 10 năm về trước. Quá trình đi nhập dược liệu khắp nơi anh mới thấy những sự thật đáng giật mình như nhân trần thì phun thuốc diệt cỏ, phần để khô nhanh bên ngoài còn vẫn ướt bên trong cho nặng cân, phần để rút ngắn thời gian canh tác, như nhiều loại dược liệu quý khi mua về chỉ là cái xác vì đã bị rút hết dược tính. Thêm vào đó là không thể truy xuất được nguồn gốc của hàng.
Về sau, anh không buôn dược liệu chạy theo số lượng nữa mà vận động dân trồng để thu mua, thậm chí cho vay cây giống, khi nào thu hoạch thì trừ tiền lại. Nhưng cách làm này cho năng suất rất thấp bởi trồng sạch phải cần cả hệ sinh thái mà chỗ bên cạnh lại phá rừng, mất hết chim chóc, sâu bọ tấn công nhưng không thể dùng thuốc được. Hơn thế dân chủ yếu là trồng độc canh dược liệu, không mang tính bền vững.
“Bà con làm nông mà cứ săn bắt thú, chim rừng thì sẽ bị sâu hại tấn công mùa màng, phải dùng nhiều thuốc độc, gây hại cho chính mình, sản phẩm làm theo kiểu đó bán rất rẻ nên cứ nghèo mãi. Muốn sản phẩm có giá trị thì phải thỏa mãn nhu cầu của xã hội, mà cao nhất là nhu cầu về sức khỏe”.
Nguyên tắc không làm gì cả
Bởi vậy anh mới tự trồng vườn rừng. Cái đầu tiên ở Tả Phìn của Sa Pa (Lào Cai), liên kết trồng dược liệu với dân nhưng sau đất đắt, họ bán, đành bỏ uổng. Một lần anh đến thăm vùng nguyên liệu sả ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang không ngờ nơi đây còn lắm rừng đến thế. Từ đèo Phúc Yên trở đi đã thấy nhiều chim bìm bịp, mà nhiều chim bìm bịp là có nhiều rắn, mà nhiều rắn là có ếch nhái nhiều, báo hiệu một hệ sinh thái rất tốt. Thấy lãnh đạo từ tỉnh, đến huyện đều quyết tâm bảo vệ rừng, anh quyết định mua 5 ha rừng sản xuất nhưng có một phần rừng tự nhiên ở xã Phúc Yên vào đầu năm 2021 để trồng dược liệu.
Bà con đang bị vướng với kiểu đất này bởi nếu chặt cây là phạm pháp, mà kể cả nếu lén chặt để trồng thêm keo, bạch đàn cũng không ai cho phép khai thác nên không biết phải làm gì ngoài mỗi năm thu được ít măng. Nhưng đất đó lại rất hợp với ý tưởng của anh, mô hình không làm gì cả: không cày xới, không bón phân, không dùng thuốc, không tưới nước mà chỉ việc mỗi trồng cây dược liệu xuống rồi thôi.
Rừng đa tầng giữ, điều phối nước, lá cây rụng xuống thì làm phân. Khi trồng hỗn giao dược liệu với số lượng ít thì mẹ thiên nhiên tự cân bằng, chim giúp bắt sâu bọ, rắn giúp bắt chuột. Để thu hút chim về nhiều hơn anh còn trồng đu đủ nhằm cung cấp quả chín làm thức ăn cho chúng. Sau 1 ha trồng thử nghiệm để thử đất, thử hệ sinh thái, mùa khô không làm gì cả mà cây vẫn sống, năm nay anh sẽ trồng tiếp 4 ha còn lại:
“Về mặt kinh tế, phải kiếm những cây gì rủi ro thấp nhất. Những cây em chọn trồng là phục vụ thị trường nội địa chứ không phải xuất sang Trung Quốc. Em trồng cũng không bán cho công ty dược mà bán cho người tiêu dùng cuối nhưng ở vị thế được quyền chọn khách vì là hàng sạch, cao cấp.
Khi chưa có internet và thế giới phẳng mà ngồi đây trồng dược liệu thì khó đầu ra nhưng giờ chỉ cần chăm sóc cho cây nào là ở Hà Nội, Sài Gòn người ta biết liền qua clip mình post trên facebook, zalo và đã đặt mua hết rồi (Thanh dùng điện mặt trời đủ để vào laptop, điện thoại chứ không kéo điện lưới bởi dễ gây chập cháy khi gặp gió mưa – PV).
Để thành công phải có cây ngắn ngày như khôi nhung, trồng chỉ 6 tháng là thu bói, 1kg khô bán lẻ 300.000 đồng/kg, sỉ 200.000 đồng/kg nên chỉ cần trồng 1.000 cây là thu được 2 – 3 triệu/tháng rồi. Còn cây dài ngày như ba kích, hà thủ ô… Ba kích giống chỉ 1.000 đồng/cây, trồng 2.000 cây mất 2 triệu đồng, không đáng kể so với tiền uống rượu nhưng nếu sang năm thứ 5 mỗi gốc thu trung bình 5kg, bán lẻ 300.000 đồng/kg, sỉ 100.0000 đồng/kg, tương đương 500.000 đồng/gốc, trồng 2.000 cây là có 1 tỉ.
Em không trồng đương quy vì sau 12 tháng nếu không thu hoạch thì rễ thối, rất áp lực về đầu ra trong khi đó ba kích càng để lâu càng có giá. Em không tính theo đơn vị là ha vì tính thế là độc canh, mà tính theo cây và khuyến cáo dân không nên trồng nhiều, đừng tham quá bởi trồng nhiều thì không có thị trường”.
Vườn rừng của Thanh ngoài kinh tế còn có vai trò bảo tồn. Hiện anh đã sưu tầm được khoảng 10 loại dược liệu quý như cây cỏ ngọt, ba kích, kim tiền thảo, gừng gió, địa liền, trinh nữ hoàng cung về trồng. Mục tiêu trong 2 – 3 năm tới là có khoảng 200 loại: “Trong quá trình học y sĩ cổ truyền em thấy giáo dục của mình nhiều lúc không có thực địa nên hè nào rảnh rỗi cũng đi khắp nơi để chụp ảnh với mong muốn làm một cuốn sách Nam dược ký sự.
Có những cây như thất diệp nhất chi hoa, em thuê 1 người dẫn đường giá 300.000 đồng tìm cả ngày trong rừng già mà còn không thấy. Sách vở ngày xưa hình ảnh cũng hạn chế nên nhiều bác sĩ y học cổ truyền bốc thuốc khô thì biết nhưng hỏi cây tươi thì không biết lá, hoa nó ra sao. Bởi vậy em mong vườn rừng sẽ là nơi trải nghiệm cho nhiều học sinh để họ có định hướng về Nam dược sau này”…
Nhấp một hớp trà shan tuyết 300 tuổi, rồi ngó ra khu rừng phía trước, Thanh nói tiếp: “Khi ngồi uống trà nghe tiếng con chim tự do nó hót khác hẳn với con chim trong lồng. Em muốn chứng minh rừng đẹp như thế nào nên sẽ làm farmstay để đón khách nhưng giờ sẽ phải tạo hồn bằng cách trồng một vườn hồng cổ Sa Pa, hồng vân khôi làm điểm checkin đã. Đợi vài năm khi rừng tự tái tạo, đẹp lên thì mới dựng các bungalow (nhà nghỉ nhỏ, riêng biệt kiểu một tầng)”…
Lang thang khắp nẻo đường rừng, ở đâu Thanh cũng được người bản địa quý đến nỗi hiện có tới 3 ông bố nuôi, một người Tày ở đây, một người Mông ở Yên Bái, một người Dao đỏ ở Lào Cai. Mỗi người lại chỉ cho anh những kiến thức bản địa quý như làm thuốc, làm chè. “Em chỉ mua 5ha nhưng giờ đây sẽ có 21ha vườn rừng vì tuần sau là 8 hộ xung quanh sẽ làm hàng rào nứa rồi trồng những cây giống như em đang trồng.
Em không bán, tặng giống mà chỉ chỗ cho họ tự mua và cũng không bao tiêu mà sẽ dạy họ cách tự bán. Tương lai đây sẽ là một làng vườn rừng thuận thiên Phúc Yên. Đời mình sống ngày nào vui ngày đấy, vui nhất là khi con hỏi bố đi đâu thì em trả lời chúng rằng “Bố đi trồng cây gây rừng”…
THEO BÁO NÔNG NGHIỆP ( Dương Đình Tường – Hải Đăng) – Thứ Hai 25/04/2022